Nicolas Kokkalis, là người đứng sau dự án Pi Network,đã không xuất hiện trên bất cứ phương tiện truyền thông nào trong hơn ba năm qua.
Gần 6 năm từ khi Pi Network ra đời, nhiều người đào Pi vẫn mỏi mòn chờ đợi dự án bước vào giai đoạn khởi chạy mạng chính thức "mainnet mở", tức có thể giao dịch với các tiền số khác. Thế nhưng, đến cột mốc Ngày của Pi 14/3 - ngày dự án thường đưa ra các thông báo quan trọng trước đây - "mainnet mở" vẫn chưa được thực hiện.
Nicolas Kokkalis. Ảnh: Pi Network
Trong khi cộng đồng Pi Network đang chờ đợi những chuyển biến mới vào ngày 2Pi, tức 28/6, thông tin về nhóm phát triển dự án ngày càng mờ mịt. Tài khoản X chính thức của Pi Network vẫn hoạt động, nhưng các đồng sáng lập đã ngừng từ lâu. Nicolas Kokkalis, người được xem là "linh hồn" của dự án, cũng không xuất hiện kể từ năm 2021 làm dấy lên nhiều đồn đoán.
Theo nguồn tin của Coin Gabbar, một website chuyên đưa tin về tiền số có trụ sở ở UAE, Kokkalis được cho là đã vắng mặt ở công ty trong một thời gian dài và gần đây đã từ chức. Dù phía Pi Network không bình luận, nó lập tức gây ra làn sóng trong cộng đồng.
1. Tiểu sử Nicolas Kokkalis
Theo thông tin trên website của dự án Pi Network, Kokkalis là đồng sáng lập cùng với hai người khác là Chengdiao Fan và Vincent McPhillip. Kokkalis giữ vai trò trưởng bộ phận công nghệ, Fan làm trưởng bộ phận sản phẩm và McPhillip phụ trách cộng đồng. McPhillip sau đó rời dự án vào tháng 2/2021.
Kokkalis được giới thiệu là tiến sĩ tại đại học Stanford và là người hướng dẫn lớp ứng dụng phi tập trung của blockchain đầu tiên của Stanford có tên CS359B năm 2018. Công việc của ông là tập trung vào việc kết hợp các hệ thống phân tán và tương tác máy tính - một trong những tính năng quan trọng khi giao dịch tiền số.
Trong khi đó, trang Digitalbiography còn cho biết Kokkalis từng hướng dẫn cho "cha đẻ" của Ethereum Vitalik Buterin về chủ đề hợp đồng thông minh (Smart Contract) trong tiền điện tử. Nói cách khác, Buterin là học trò của Kokkalis.
Dù vậy, trên hồ sơ LinkedIn của Kokkalis dường như không xuất hiện bất cứ thông tin nào liên quan đến dự án Pi Network. Ông được giới thiệu là người sinh ra ở Hy Lạp nhưng sống tại Canada và sau đó là Mỹ.
Ngoài việc học và giảng dạy tại đại học Stanford, Kokkalis cũng là thành viên sáng lập của một số công ty như Gameyola năm 2010 hay StartX năm 2010. Đây là hai startup được đánh giá là rất nhỏ nhưng vẫn được đề cập trong khi Pi Network thì không.
"Câu hỏi đặt ra là, tại sao một dự án thu hút hàng chục triệu người dùng như Pi Network lại không được Kokkalis đề cập trong hồ sơ LinkedIn, một nền tảng nghề nghiệp mà hầu hết đều chăm chút. Với một tiến sĩ khoa học như Kokkalis, những thông tin trên lại càng cần thiết", trang Medium bình luận.
2. Sự biến mất của Nicolas Kokkalis
Trên website Pi Network, liên kết tài khoản X của ba nhà sáng lập dự án cũng được đăng tải. Tuy nhiên, khi truy cập vào tài khoản của Kokkalis, chỉ có bốn bài đăng, hai bài từ năm 2013 và hai bài còn lại từ năm 2021. Tài khoản này có hơn 440.000 lượt theo dõi, có phần tiểu sử là "Trưởng bộ phận công nghệ của Pi".
Lần xuất hiện gần nhất của Kokkalis là vào tháng 6/2022, khi một video của ông đăng trên ứng dụng Pi Network nói rằng dự án đã có một triệu người xác thực danh tính (KYC) thành công. Đến nay, ông không hiện diện thêm lần nào, dù trên phương tiện truyền thông hay liên kết với dự án.
Không chỉ Kokkalis, đồng sáng lập Fan cũng không có nhiều hoạt động. Tài khoản X của bà được cung cấp trên website Pi Network cũng không có bất kỳ hoạt động nào khi truy cập. Riêng tài khoản X của dự án vẫn đăng mỗi tuần 2-3 bài viết.
Việc đội ngũ sáng lập Pi Network không có các hoạt động trong vài năm trở lại đây đã gây ra nhiều đồn đoán. Theo Coin Gabba, có thể liên tưởng động thái này với "cha đẻ" Bitcoin Satoshi Nakamoto. Người này xuất hiện vào năm 2007 khi Bitcoin còn chưa ra đời, sau đó vận động các nhà phát triển cùng chung tay xây dựng tiền số này. Sau khi rút lui từ 2012 đến nay, không ai thực sự biết về danh tính Nakamoto.
Theo giới chuyên gia, việc Nakamoto không lộ diện là điều tốt cho Bitcoin, bởi như vậy sẽ đảm bảo sự an toàn và tính phi tập trung của tiền số này. Dựa trên lập luận đó, một số cũng cho rằng các sáng lập Pi Network biến mất cũng nhằm mục đích tương tự.
Thế nhưng, ở các bài viết trên Reddit, một số người cho rằng Kokkalis đã âm thầm rời khỏi dự án. "Kokkalis không xem Pi Network là dự án nghiêm túc. Ông ấy đang chạy trốn trong im lặng", tài khoản Mercury viết. "Pi Network đã thu được rất nhiều tiền quảng cáo từ hàng chục triệu thành viên. Giờ là lúc họ rút lui dần. Một dự án lừa đảo", tài khoản tên JoYu bình luận.
Phía đội ngũ Pi Network, hay còn gọi là Pi Core Team, chưa đưa ra bình luận nào.
Hoka News cho rằng, còn quá sớm để nói đến việc Pi Network sẽ "chết", bởi hiện nền tảng có cơ sở dữ liệu người dùng trên 60 triệu thành viên, cao hơn phần lớn các dự án blockchain hiện nay. Dù vậy, để khẳng định vẫn tiếp tục dự án, Pi Core Team cần "làm điều gì đó" vào ngày 28/6 tới.
Pi Network là dự án ra đời từ năm 2019, được quảng cáo là giúp người dùng sở hữu tiền ảo Pi miễn phí, bằng cách vào ứng dụng trên điện thoại điểm danh mỗi ngày. Tuy nhiên, dự án gây tranh cãi khi vẫn chưa thể cho phép người dùng giao dịch trên các sàn tiền số sau nhiều lần hứa hẹn. Đầu 2023, một số sàn như XT, Huobi, BitMart niêm yết Pi dưới hình thức ghi nợ IOU, khiến tiền số này có lúc tăng giá hơn 300 USD nhưng sau đó giảm mạnh.
Cuối tháng 6/2023, Bộ Công an cho biết đã phối hợp với công an địa phương để điều tra hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi. Theo đại diện Bộ Công an, các hoạt động liên quan đến Pi có những dấu hiệu của việc lôi kéo, tiền người trước trả cho người sau trong mô hình kinh doanh dạng nhị phân, đa cấp, do đó người dân cần thận trọng trước hành vi lôi kéo tham gia mô hình tiền ảo có lợi nhuận cao bất thường.
Theo Express.net
Viết bình luận